Hậu cung và những năm cuối đời Hán_Vũ_Đế

Thay ngôi Hoàng hậu

Bài chi tiết: Vệ Tử Phu

Hán Vũ Đế đăng cơ, lập con gái của người cô Quán Đào công chúaTrần thị làm Hoàng hậu. Thời gian đầu sủng ái vì bà là nguyên phối từ khi còn chưa trưởng thành, nhưng phần lớn vì cả nể mẹ bà, Quán Đào công chúa đã có ơn đưa Vũ Đế lên ngôi Thái tử. Về sau Trần Hoàng hậu không có con[44], thường hay đố kị phi tần nên tình cảm Đế-Hậu ngày càng phai nhạt. Năm 139 TCN, trong dịp tới thăm phủ Bình Dương công chúa, Vũ Đế gặp được nhạc kỹ tên Vệ Tử Phu, hết mực sủng ái, đưa về cung lập làm Phu nhân, từ đó không ngó ngàng đến Trần hoàng hậu[45][46][47]. Vệ Phu nhân lần lượt sinh 3 công chúa nên đắc sủng nhất hậu cung[48], Vũ Đế còn trọng dụng nhiều người trong gia tộc họ Vệ khiến Trần hậu tức giận[49]. Để đối phó, Trần Hoàng hậu bỏ nhiều tiền để tìm phương thuốc có con, còn gọi người đồng cốt là Sở Phục (楚服) vào cung để sử dụng tà thuật, đồng thời lại có hành vi bất chính với nhau (lời đồn rằng là quan hệ đồng tính luyến ái nữ).

Năm 130 TCN, chuyện Trần hậu và Sở Phục bị phát giác. Vũ Đế lập tức định tội bà, giao cho Trương Thang điều tra[50]. Cuối cùng, Trần Hoàng hậu bị giam vào Trường Môn cung, còn Sở Phục và hơn 300 người bị xử tử[51]. Sau đó Hán Vũ Đế lập Vệ phu nhân lên làm Hoàng hậu. Những thành viên trong nhà Vệ Hoàng hậu cũng được vinh sủng như Vệ Trường Quân, Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh..., trở thành một thế lực ngoại thích trong triều[52][53][54].

Tìm thuốc trường sinh

Cuối đời, Hán Vũ Đế sa vào hưởng lạc, xây cất nhiều cung điện và tin vào chuyện mê tín. Ông có cố gắng tìm thuốc tiên để trường sinh bất lão. Ông gả con gái cho phương sĩ Dịch Đại, phong làm tướng quân và tước hầu, giao cho 10 vạn cân vàng để tìm thuốc tiên. Vì Dịch Đại tìm mãi không ra thuốc tiên nên bị Vũ Đế giết chết[55].

Thay ngôi Thái tử

Bài chi tiết: Án Vu Cổ

Năm Chính Hòa nguyên niên (92 TCN), Vu cổ chi họa (巫蠱之禍) trứ danh trong lịch sử nhà Hán xảy ra. Khi đó, vợ của thừa tướng Công Tôn Hạ (公孫賀) sử dụng thuật vu cổ bị phát giác, cả nhà Công Tôn bị giết hại[56]. Ngoài ra, những thành viên trong thân tộc họ Lưu cũng bị liên lụy, trong đó có Dương Thạch công chúa (陽石公主) và Chư Ấp công chúa (诸邑公主) là con gái của Vệ hoàng hậu. Hán Vũ Đế sau đó quyết định mở rộng việc điều tra, giao việc này cho sủng thần Giang Sung và Án Đạo hầu Hàn Thuyết (韓說), vì trước đó Giang Sung nói có cổ khí ở trong cung. Giang Sung vốn có hiềm khích với Thái tử Lưu Cứ, nên muốn nhân việc này giá họa cho Thái tử.

Tháng 7 năm 91 TCN, Giang Sung tìm đến cung của Vệ hoàng hậu và Lưu Cứ, rao lên rằng có bùa yểm. Thái tử sợ Giang Sung hại mẹ con mình, bèn nghe theo lời Thái phó Thạch Đức (石德), giả lệnh bắt Sung và mang quân chiếm cứ các vị trí trọng yếu trong kinh thành Tràng An. Hán Vũ Đế đang dưỡng bệnh ở Cam Tuyền cung (甘泉宫), nghe tin Thái tử làm loạn bèn sai thừa tướng Lưu Khuất Li (劉屈氂) đem quân bắt Thái tử, đồng thời sai Tông chính Lưu Trường Lạc (劉長樂) và Chấp kim ngô Lưu Cảm Phụng (劉敢奉) đến Tiêu Phòng điện tịch thu tỉ thụ của Vệ hoàng hậu, khiến bà vừa thẹn vừa giận nên đã tự tử[57][58]. Thái tử Lưu Cứ thua cuộc, nghe tin mẹ chết nên tự vẫn theo[59]. Ngoài ra còn có 3 hoàng tử và 1 công chúa khác bị xử tử vì có liên quan[60]. Không lâu sau, thừa tướng Lưu Khuất Li cũng bị cho là dính dáng tới vụ yểm bùa nên bị giết.

Cuối cùng, Hán Vũ Đế tỉnh ngộ ra rằng những vụ yểm bùa phần nhiều do Giang Sung bày đặt ra, nên bắt giết cả nhà Giang Sung. Vì ân hận và thương nhớ Thái tử, Hán Vũ Đế cho xây Tử Tư cung (思子宮; nhớ con).

Sau cái chết của Thái tử Lưu Cứ, người con thứ của Vũ Đế là Yên vương Lưu Đán dâng thư xin vào cung làm Túc vệ. Hán Vũ Đế biết ý đồ của Lưu Đán nên từ đó không tin tưởng đứa con này nữa[61].

Qua đời

Sau Án Vu cổ, Hán Vũ Đế lập con trai út Lưu Phất Lăng làm Thái tử, đồng thời bắt mẹ của Phất Lăng là Câu Dặc phu nhân Triệu thị phải chết, vì lo sợ Phất Lăng còn nhỏ thì bà ta sẽ thành Thái hậu, vượt quá bổn phận[62]. Vũ Đế có ý định giao con trai cho Hoắc Quang sau khi mình qua đời. Năm 88 TCN, ông sai họa sư làm bức vẽ "Chu công bối Thành Vương triều chư hầu đồ" (周公背成王朝诸侯图), trao cho Hoắc Quang với ý định nhờ ông ta phụ tá cho Phất Lăng[63].

Năm 87 TCN, tháng hai, Hán Vũ Đế lâm bệnh nặng. Trước lúc chết, ông hạ chiếu phó thác việc nước cho các trọng thần: Hoắc Quang làm Đại tư mã, Đại tướng quân Kim Nhật Đê làm Xa Kị tướng quân, thái phó Thượng Quan Kiệt (上官桀) làm Tả tướng quân, đô úy Tang Hoằng Dương làm Ngự sử đại phu[62].

Ngày hôm sau, Hán Vũ Đế qua đời ở Ngũ Tạc cung (五柞宮), hưởng thọ 70 tuổi, được tôn miếu hiệu là Thế Tông (世宗), thụy hiệu là Hiếu Vũ Hoàng đế (孝武皇帝). Ông là vị quân vương ở ngôi lâu nhất và thọ nhất nhà Tây Hán.

Vũ Đế băng, Thái tử Lưu Phất Lăng lên ngôi, tức là Hán Chiêu Đế. Tân đế mới tuổi còn nhỏ, được Đại Tư Mã Hoắc Quang giúp sức, tiếp tục sự phồn thịnh của nhà Tây Hán qua 2 đời Chiêu Đế (87 TCN - 74 TCN), Tuyên Đế (74 TCN - 49 TCN).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hán_Vũ_Đế http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%... http://zh.wikisource.org/wiki/%E5%8F%B2%E8%A8%98/%...